Bước 1: Quyết định đi làm nghiên cứu sinh, trước tiên hãy tự đặt câu hỏi cho mình:
– Mình đang hay sẽ giảng dạy bậc đại học không?
– Mình đang hay sẽ làm công việc tư vấn, hay muốn có một vốn hiểu biết rất sâu vào một lĩnh vực cụ thể nào không?
– Mình đang hay định làm công việc nghiên cứu không?
Nếu cả ba câu trên mà KHÔNG thì có thể việc làm nghiên cứu sinh là không cần thiết.
Bước 2: Quyết định làm PhD trong nước hay nước ngoài
Có nhiều yếu tố cần được cân nhắc khi chọn làm PhD trong nước hay nước ngoài, nhưng chủ yếu là do yếu tố ràng buộc công việc hiện tại và gia đình chứ theo mình điều kiện làm nghiên cứu ở VN chẳng thể so sánh được với nước ngoài rồi. Ngoài ra, một cân nhắc không kém phần quan trọng: Mình có dự định di cư sang Úc không?
Bước 3: Xem xét liệu mình có được chấp nhận làm PhD?
Điều kiện để được chấp nhận học thường là: có bằng Master dạng research hoặc MPhil hoặc Master dạng coursework nhưng có làm luận văn tốt nghiệp hoặc có bằng Honour hoặc làm công việc nghiên cứu với thời lượng đáng kể (cái này hơi khó vì bằng đại học của VN ít được công nhận ở nước ngoài).
Vì vậy nếu ai chỉ có bằng Master dạng coursework thì khi xin học, trường có thể yêu cầu phải dự một khóa qualifying program trong vòng 6 tháng trước khi nhập học chính thức vào PhD.
Làm PhD có 2 dạng:
– thầy có project và tuyển PhD vào làm nghiên cứu. Khi đó thầy sẽ đăng thông báo tuyển PhD và tìm ứng viên có đủ khả năng và thích thú làm đề tài đó. Nếu ứng viên tự thấy background của mình phù hợp, bản thân thấy thích thú đề tài thì gửi thư trực tiếp cho thầy. Trường hợp này chỉ cần chuẩn bị CV và viết motivation letter cho tốt, không phải chuẩn bị proposal vì đề tài đã có sẵn. Nếu thầy chấp nhận thì sau đó làm thủ tục xin học với trường, tức là bỏ qua được bước 4,5 và 7.
Bước 4: Viết proposal (định hướng nghiên cứu)
Nếu xin PhD ở Mỹ thì viết cái Statement of Purpose nêu lý do tại sao mình muốn làm nghiên cứu sinh ở trường đó và lĩnh vực nghiên cứu dự kiến là gì. Còn ở Anh và Úc thì khi viết định hướng nghiên cứu cần phải có cả literature review. Khổ nỗi ở VN làm gì có cơ sở dữ liệu hay sách vở gì để mà viết phần này đâu. Nhớ hồi mình gửi cái proposal cho GS John Tribe ở Surrey University, UK (TBT tạp chí Annals of Tourism Research), ông ý đáp lại chê là chỉ bằng cái proposal của MBA, đề nghị viết rồi gửi lại ông ấy xem, hic. Viết trả lời ông ấy là tôi sẽ cố gắng cái thiện cái proposal nhưng sau đấy lặn luôn vì biết với những gì mình có trong tay thì là một điều gần như không thể.
Có một câu chuyện hài hước cười ra nước mắt ở lĩnh vực du lịch, một người đã bị một hội đồng xét duyệt Tiến sỹ ở VN đánh trượt với lời phê đề cương nghiên cứu quá tệ. Người đó đã gửi đề cương nghiên cứu ra nước ngoài, được trường chấp nhận và dành học bổng danh tiếng nhất của nước đó.
Bước 5: Xin thầy hướng dẫn
Thực ra bước 4 gắn liền với bước 3 vì với cái mình định làm xin mỗi thầy (có từng thế mạnh riêng) mình phải lái lái đi thì họ mới quan tâm. Khi xin thầy hướng dẫn, cần tìm hiểu cho kỹ:
– kinh nghiệm, trọng tâm nghiên cứu (research interest) và danh tiếng của người đó về lĩnh vực mình muốn làm à lên hỏi bác Google là ra hết
– trọng tâm nghiên cứu và danh tiếng của ngành tại trường nơi người đó đang ngồi ở đấy à lên website của trường mà tìm hay hỏi bạn bè. Chú ý là ranking của trường không quan trọng bằng ranking của riêng ngành mình quan tâm. Ví dụ chả ai biết Griffith là trường nào ở Úc, nhưng nói đến tourism thì mọi người đều biết (là ở nước ngoài thôi).
– cá tính của người đấy thế nào, nhiều thầy giỏi thì giỏi nhưng mà đối xử với trò tệ lắm à lân la hỏi người nào đang làm PhD ở đấy, hay email cho cựu PhD của người đó mà hỏi (chỉ cần cái tên thôi lại hỏi bác Google là ra)
Xin kể cả nhà nghe chuyện đi xin thầy hướng dẫn của mình, tiếp tục câu chuyện ở trên.
Trong một buổi hội thảo du học Anh ở New World, lơ ngơ thế nào lại hỏi được contact của một ông GS ở Chichester Uni. Ông này khá nổi tiếng về các nghiên cứu ở VN và cũng interest với nghiên cứu của mình, nhưng khổ nỗi là ông ấy vừa chuyển từ Metropolitan Uni về đây, mà ở đây chưa nhận PhD về tourism.
Tiếp tục với một bà giáo ở ĐH Queensland . Tìm thấy bà ấy do search một hồi trên mạng, đã từng ở VN, thích thú nghiên cứu về tourism ở VN, rất nhiệt tình giúp mình làm cái literature review bằng cách gửi luôn một cái proposal của học trò bà ấy có đề tài na ná như của mình, bảo mình xem có cái nào cần và viết lại (không được chép nguyên xi đâu). Sau đấy mình có được cái proposal nhìn khá chuẩn, giờ vẫn biết ơn bà ấy.
Hè 2007 ra HN gặp senior MBA, Mr C bảo “Ở Úc thì Griffith là trường hàng đầu về du lịch”. Thế là lại lặn lội nghiên cứu website, xem trọng tâm nghiên cứu của nó là gì, tìm người hướng dẫn. May quá anh C giới thiệu cho chị H chỗ anh ấy vừa qua Griffith được mấy tháng, thế là mình có người hỏi xem ai là người hướng dẫn tốt. Bài học từ dì M và anh làm mình quá hiểu có thầy hướng dẫn tệ thì khổ thế nào. Chị H giới thiệu cho hai cái tên, mình nhắm mắt chọn luôn người có cái mác Professor.
Viết email cho ông GS hướng dẫn bây giờ, giới thiệu bản thân, gửi kèm CV, proposal vào tối thứ 6 thì sáng thứ 2 đã nhận được email ngắn gọn:
Dear …,
Thank you for your interest in having me supervise your PhD. thesis. I am willing to be your supervisor, should your application be accepted.
I have sent this communication to Dr. …, who is our contact faculty for PhD applications here on the Gold Coast campus.
I look forward to working with you.
Sincerely,
Mừng quá sức tưởng tượng, sau này mới biết ông ấy vừa từ Mỹ về lại trường, chưa có sinh viên PhD nào cả. Càng search mới biết ông ấy hàng đầu thế giới về ecotourism. Quan trọng hơn hết là trong vốn hiểu biết bao la của ông ấy về ecotourism thì VN là con số 0, nên ông ấy rất quan tâm. Thế mới thấy sự trùng lặp giữa cái mình muốn làm với interest của thầy quan trọng thế nào.
Bước 6: Nộp hồ sơ xin học và chờ
Các tổ chức cho học bổng thường yêu cầu phải được một trường nào đó chấp nhận học đã, nên phải có CoE trong tay thì mới đi hộp hồ sơ xin học bổng (trừ trường hợp xin học bổng của trường song song với việc xin học; học bổng 322 hay ADS có thể xin trước rồi mới xin học ở trường). Xin học PhD không có deadline, trường nhận hồ sơ quanh năm.
Mỗi trường mỗi khác, UQ cho phép nộp hồ sơ online (hoành tráng chưa) và phải trả admission fee là 60AUD, báo hại phải đi nhờ người trả bằng thẻ Visa/Master card hộ. Nhưng nộp xong chờ dài cổ nửa năm chả thấy trả lời trả vốn gì. Hội thảo du học Úc mình đã đến thẳng quầy hỏi, họ cho email, viết email hỏi thế mà vẫn lặn tăm.
Griffith yêu cầu gửi hồ sơ giấy trắng mực đen bằng đường bưu điện, nhưng lại không phải trả tiền nộp hồ sơ gì hết. Do cái thói lề mề cố hữu của mình, lại phải gửi chuyển phát nhanh mất 500 nghìn, 5 ngày tới Úc. 28/10 họ nhận được hồ sơ của mình (ngay trước deadline xin học bổng của trường có 2 ngày) thì tới cuối tháng 12 trả lời qua email đã chấp nhận và gửi Thư chấp nhận học CoE (certificate of enrolment). Cầm cái này có thể đi xin visa được rồi.
Sang đây thì có người lại than phiền xin học 2 trường trên thì Griffith lặn tăm, UQ trả lời.
Bước 7: Xin học bổng
Tới mục này, mình chỉ xin chia sẻ kinh nghiệm tìm học bổng PhD ở Úc. Có các lựa chọn sau cho người Việt mình:
– Học bổng 322 của nhà nước: 1,000AUD/tháng (12,000AUD/năm), vừa cho 1 người (chi tiêu trung bình bên này cho 1 người khoảng 700AUD/tháng), nghe mọi người kêu hay bị chậm, ràng buộc sau khi học xong phải trở về nước, không có hỗ trợ gì cho con nhỏ nếu mang theo, khi làm thủ tục hay bị lằng nhằng. Tuy nhiên xin học bổng 322 là dễ được nhất, miễn là được một trường nào đó trên thế giới nhận là được. Lưu ý PhD có thể đi làm trợ giảng ở các ĐH của Úc để có thêm thu nhập. Thông báo về học bổng 322 được gửi về các trường đại học hàng năm.
– Học bổng cho các nhà lãnh đạo ( ALA ): 26,800AUD/năm (nghe nói hàng năm có review và tăng tiền), ràng buộc sau khi học xong phải trở về nước, cho 4 năm, có cho tiền trang trải ban đầu 5000$ để mua vé máy bay, phí visa, tiền đi dự hội thảo/field trip 2000$/năm, có hỗ trợ tiền gửi trẻ 5 tuổi trở xuống 50%… Học bổng này chú trọng đến những người có tiềm năng trở thành lãnh đạo sau này, nên ai có kinh nghiệm làm lãnh đạo hay khả năng chứng minh mình có tài lãnh đạo nhiều khả năng được. http://www.ausaid.gov.au/scholar/ala.cfm . Việt Nam nằm trong danh sách các nước được ưu tiên cho học bổng này, nên người Việt có nhiều khả năng được.
– Học bổng Endeavour: là học bổng cao nhất của Bộ GD Úc. Học bổng này không ưu tiên Việt Nam mà các ứng viên phải cạnh tranh trên toàn cầu. Ai có thành tích học tập xuất sắc, có công trình nghiên cứu, có thành tựu gì nổi bật thì có khả năng được học bổng này. Endeavour cho toàn bộ học phí, living allowance 30,000AUD/năm, tiền ổn định ban đầu 4000$ cho vé máy bay, phí visa, không có hỗ trợ gửi trẻ… và không có ràng buộc sau khi học xong phải trở về nước và vừa được nâng lên 4 năm. http://www.endeavour.deewr.gov.au/
– Học bổng của chính phủ Úc thông qua các trường (gọi nôm na là học bổng của trường): 20,000AUD/năm, hỗ trợ một phần tiền vé, không hỗ trợ phí làm visa, không ràng buộc phải về nước sau khi học xong. Tham khảo học bổng này phải vào trang web của từng trường nghiên cứu. Khi nộp hồ sơ học cho trường, thường có mục để đánh dấu vào xin học bổng của trường. Học bổng của trường cho 3 năm, nhưng có thể kéo dài tối đa 6 tháng nữa.
– Ngoài ra còn nhiều dạng học bổng khác, cần phải vào website thông báo học bổng của từng trường để tìm hiểu.
Endeavour, AL A , ADS có thời hạn nộp hồ sơ khoảng tháng 6,7 hàng năm, vì vậy ai muốn xin các học bổng này thì phải có CoE sẵn sàng trước tháng 6 hàng năm. Nói tóm lại cần khoảng 1 năm kể từ khi bắt đầu khởi động ôn tiếng Anh, thi IELTS và tất cả các bước ở trên.
Xin hết và chúc may mắn!
Share this:
Like this:
Số lượt thích
Đang tải…