Bộ Y tế, Bộ Đại học và THCN, trường được Ủy ban nhân tỉnh Tây Ninh ra quyết định số 54/QĐ-TCUB ngày 15 tháng 09 năm 1978 chính thức nâng cấp Trường Cán bộ Y tế thành Trường Trung học Y tế Tây Ninh. Trường được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ y tế như Y sĩ đa khoa, Điều dưỡng trung học, Hộ sinh trung học, Dược tá…với các chương trình đào tạo chính quy, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ y tế.
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn về cơ sở, trang thiết bị phục vụ giảng dạy nhưng với sự hỗ trợ của Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, nhà trường đã tổ chức liên kết đào tạo 5 khóa Bác sĩ chuyên tu tại Tây Ninh cho tỉnh nhà và các tỉnh phía Nam. Đây là những khóa đào tạo đội ngũ cán bộ Y tế phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và rất nhiều học viên hiện nay đang giữ những trọng trách quan trọng trong bộ máy Y tế tỉnh nhà. Đến năm 1997, bộ khung nhân lực Y tế tỉnh nhà tương đối ổn định, nhiều thế hệ học sinh nhà trường đã tỏa khắp các bệnh viện và mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu trong toàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Nhiệm vụ trong tâm bấy giờ của nhà trường là đào tạo đội ngũ cán bộ Y tế trình độ trung cấp theo đúng chức năng. Vì vậy, ngày 27/01/1997 UBND tỉnh đã ra Quyết định số 08/QĐ-UB đổi tên Trung tâm đào tạo CBYT Tây Ninh thành Trường trung học Y tế Tây Ninh. Giai đoạn này nhà trường đào tạo các loại hình Y sỹ, Y sỹ sản nhi, Điều dưỡng, Hộ sinh, Dược tá, Y tá, Lương y. Đây là giai đoạn thu hẹp quy mô đào tạo, tuyển sinh 2-3 năm một khóa, nhiều cán bộ, giáo viên của nhà trường được điều chuyển sang các cơ quan khác. Mặc dù vậy, với phương châm “gọn và tinh”, nhà trường vẫn tiếp tục nhiệm vụ đào tạo, cho ra đời nhiều khóa học sinh khá vững về kỹ năng chăm sóc điều dưỡng và hộ sinh. Đặc biệt, giai đoạn này thực hiện theo sự chỉ đạo của Sở Y tế, nhà trường đã liên kết với Đại học Y dược TP. HCM triển khai đào tạo nâng cao 02 khóa sau đại học: 01 lớp bác sỹ chuyên khoa I Ngoại và 01 lớp bác sỹ chuyên khoa I Y tế công cộng. Những học sinh được đào tạo trong giai đoạn này hiện đang giữ những vị trí quan trọng đầu ngành hoặc đảm trách những vai trò quan trọng tại các bệnh viện, cơ sở trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Năm 2007, theo xu thế chung cả nước, một lần nữa trường ta lại đổi tên thành Trường trung cấp Y tế Tây Ninh theo Quyết định số 2526/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 20/11/2007. Với nhiệm vụ đào tạo bổ sung nguồn nhân lực CBYT trình độ trung cấp đang thiếu hụt khá nhiều trong toàn tỉnh, nhà trường xây dựng các chiến lược mở rộng quy mô đào tạo. Năm 2008, sau gần 2 năm bắt tay xây dựng đề án mở mã ngành, với nhiều lần thẩm định, nhà trường đã được Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cho phép mở mã ngành Dược trung cấp. Như vậy, sau gần 15 năm liên kết với Đại học Y dược TP. HCM, từ năm 2008 nhà trường đã độc lập đào tạo CBYT ngành Dược trung cấp, đáp ứng nhu cầu cán bộ Dược cho tỉnh nhà. Tiếp tục với thành công của đề án mở mã ngành dược, năm 2009, nhà trường tiếp tục xây dựng đề án mở 02 mã ngành mới là Y sỹ định hướng YHDP và Y sỹ định hướng YHCT với mục tiêu tăng cường hoạt động y tế trường học và mở rộng quy mô hoạt động của Y học cổ truyền theo định hướng chiến lược xây dựng hệ thống Y tế giai đoạn 2010-2020 của Sở Y tế Tây Ninh. Từ kinh nghiệm của đề án mở mã ngành dược, đề án mở 02 mã ngành Y sỹ định hướng đã được thẩm định ngay trong năm 2009 và nhà trường chính thức tiến hành đào tạo 02 khóa đầu tiên với gần 150 học sinh. Năm 2010, sau khi khảo sát nhu cầu thực tế tại Tây Ninh, nhà trường tiếp tục xây dựng đề án mở thêm 02 mã ngành mới là Dân số Y tế để phục vụ cho mạng lưới cán bộ phụ trách công tác Dân số-KHHGĐ tại các trung tâm Y tế và Xét nghiệm YHDP phục vụ cho các phòng xét nghiệm của bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh. 02 mã ngành này được thẩm định trong năm 2010 và chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên trong năm 2011 với chỉ tiêu tuyển sinh 50 học sinh cho mỗi ngành. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã được phép đào tạo 06 mã ngành trung cấp, gồm: Y sỹ, Dược, Xét nghiệm, Dân số Y tế, Điều dưỡng, Hộ sinh; 02 mã ngành đào tạo chuyên ngành gồm: Định hướng YHDP, Định hướng YHCT và 03 mã ngành sơ cấp gồm: Dược, Điều dưỡng và dân số Y tế. Một số mã ngành nhu cầu không còn cao nên nhà trường tạm ngưng đào tạo như Dược sơ cấp, Điều dưỡng sơ cấp; một số mã ngành không hiệu quả về mặt kinh tế nhưng cần thiết theo nhu cầu xã hội nên nhà trường chấp nhận “thiệt thòi” về mặt kinh tế vẫn tiếp tục tuyển sinh để hoàn thành nhiệm vụ như ngành Xét nghiệm; một số mã ngành nhu cầu tuyển dụng không còn cao nhưng nhu cầu xã hội vẫn khá cao như ngành Dược, Y sỹ thì nhà trường đang cân nhắc về quy mô và xây dựng các giải pháp triển khai đào tạo phù hợp.