MEXT là từ viết tắt của Ministry of Education, Culture, Sports, Science and Technology – Japan, nghĩa là Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản.
Học bổng MEXT là học bổng của chính phủ Nhật dành cho các sinh viên nước ngoài muốn học tập tại Nhật Bản từ năm 1954. Đây là loại học bổng toàn phần phổ biến nhất mà sinh viên có thể xin được.
Ngoài ra, các bạn còn hay được nhắc đến học bổng Monbukagakusho.Thực ra, học bổng MEXT và học bổng Monbukagakusho (hay được các bạn gọi tắt là học bổng Monbusho) là một. Bởi Monbukagakusho là phiên âm của từ tiếng Nhật 文部科学省, cũng có nghĩa là Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản. Nếu nói bằng tiếng Anh thì là MEXT scholarship, nếu nói bằng tiếng Nhật thì là 文部科学省の奨学金, nếu nói bằng tiếng Việt thì có thể dùng cả hai cách gọi, hoặc là học bổng MEXT và học bổng Monbukagakusho. Sinh viên có thể nộp đơn xin học bổng MEXT qua Đại sứ quán hay Lãnh sự quán của Nhật tại Việt Nam, hoặc cũng có thể nộp đơn xin trực tiếp qua trường dự định theo học.
Các loại học bổng và cấp học
Học bổng cho các nhà lãnh đạo trẻ (YLP) Tuổi hạn chế: dưới 40 tuổi đối với các ngành quản trị công (public administration) và luật (law); dưới 35 tuổi đối với ngành quản trị kinh doanh. Ngành học: quản trị công, luật và quản trị kinh doanh. Các yêu cầu khác: bằng tốt nghiệp đại học. Tiền hỗ trợ nghiên cứu từng năm: không cố định Đào tạo tiếng Nhật: không cần thiết Các khoản hỗ trợ khác: tiền vé máy bay một chiều đến và rời Nhật, tiền học phí, tiền nhập học, tiền hỗ trợ ổn định ban đầu: 25.000 yên, hỗ trợ 80% chi phí y tế.
2. Học bổng nghiên cứu sinh Tuổi hạn chế: dưới 35 tuổi Ngành học: khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên Các yêu cầu khác: bằng tốt nghiệp đại học hoặc chứng nhận sẽ tốt nghiệp đại học Đào tạo tiếng Nhật: 6 tháng (miễn học đối với các đối tượng có trình độ tiếng Nhật khá) Các khoản hỗ trợ khác: giống như học bổng YLP
3. Học bổng đào tạo giáo viên Tuổi hạn chế: dưới 35 Ngành học: giáo dục Các yêu cầu khác: tốt nghiệp đại học hoặc các trường sư phạm, có 5 năm kinh nghiệm ở một trong các vị trí sau: (1) giáo viên tiểu học, trung học hoặc (2) giáo viên các trường sư phạm hoặc (3) nhân viên quản lý giáo dục Đào tạo tiếng Nhật: 6 tháng (miễn học đối với các đối tượng có trình độ tiếng Nhật khá) Các khoản hỗ trợ khác: giống như học bổng YLP
4. Học bổng dành cho sinh viên đại học Tuổi hạn chế: dưới 22 tuổi Ngành học: khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, y tế, nha khoa và thú y. Các yêu cầu khác: tốt nghiệp trung học và đã thi đỗ vào một trường đại học Việt Nam Đào tạo tiếng Nhật: 1 năm Các khoản hỗ trợ khác: giống như học bổng YLP
5. Học bổng dành cho sinh viên cao đẳng kỹ thuật Tuổi hạn chế: dưới 22 Ngành học: kỹ thuật vật liệu, cơ khí, điều khiển, điện tử, điện, công nghệ thông tin, kiến trúc, thương mại, hàng hải Các yêu cầu khác: tốt nghiệp hoặc sẽ tốt nghiệp phổ thông trung học Đào tạo tiếng Nhật: 1 năm Các khoản hỗ trợ khác: giống như học bổng YLP
6. Học bổng dành cho sinh viên trung cấp Tuổi hạn chế: dưới 22 Ngành học: xây dựng, kiến trúc, điện, điện tử, viễn thông, dinh dưỡng, giáo dục nhà trẻ-mẫu giáo, thư ký, du lịch, quản trị khách sạn, thời trang, thiết kế, nhiếp ảnh Các yêu cầu khác: tốt nghiệp phổ thông trung học Đào tạo tiếng Nhật: 1 năm Các khoản hỗ trợ khác: giống như học bổng YLP
7. Học bổng dành cho sinh viên học về Nhật Bản Tuổi hạn chế: dưới 30 Ngành học: tiếng Nhật, cuộc sống và văn hóa Nhật Bản. Các yêu cầu khác: sinh viên đang học đại học Đào tạo tiếng Nhật: không Các khoản hỗ trợ khác: giống như học bổng YLP
Cách nộp đơn xin học bổng
Học bổng MEXT có thể nộp đơn xin qua Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán (LSQ) Nhật ở Việt Nam (gọi tắt là tiến cử của ÐSQ) hay qua một trường đại học ở Nhật (tiến cử của trường đại học). Đối với học bổng do ÐSQ tiến cử, việc sơ tuyển và xét duyệt hồ sơ được ÐSQ hay LSQ Nhật ở nước ngoài hợp tác với chính phủ và cơ quan của nước sở tại. Ở Việt Nam việc thông báo, sơ tuyển hồ sơ trước khi chuyển đến ĐSQ được Bộ Giáo dục và Ðào tạo Việt Nam thực hiện. Đối với học bổng do các trường đại học tiến cử, người nộp đơn có thể nộp trực tiếp đến các Phòng Quản lý du học sinh của trường có nguyện vọng. Ngoài đối tượng là sinh viên nước ngoài có nguyện vọng đến học tập tại trường, hằng năm các trường còn xem xét đề cử một số du học sinh tư phí đang theo học tại trường đạt được kết quả học tốt để tiến cử lên Bộ Giáo dục Nhật Bản nhận học bổng này. Quy trình xét duyệt hồ sơ và tiến cử của ĐSQ và trường đại học như sau:
· Tiến cử của ÐSQ Vào khoảng đầu tháng 4 hằng năm, thông tin về học bổng Monbukagakusho sẽ được niêm yết công khai tại ĐSQ hay LSQ Nhật Bản, Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và trên các báo lớn của Việt Nam (Nhân Dân, Tiền Phong, Tuổi Trẻ). Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ có công văn thông báo gửi đến các trường đại học, cơ quan nghiên cứu, bộ, ngành… Các thí sinh có đầy đủ tiêu chuẩn như trong thông báo đều có thể nộp đơn xin học bổng này. Quy trình xét duyệt hồ sơ, thi tuyển và phỏng vấn gồm các bước chính sau (qui trình này có thể thay đổi hằng năm): 1. Thông báo học bổng 2. Làm hồ sơ và xin giấy giới thiệu của trường, cơ quan đang học tập, công tác 3. Nộp hồ sơ lên Bộ Giáo dục và Đào tạo 4. Bộ Giáo dục và Đào tạo xét duyệt hồ sơ và công bố danh sách sơ tuyển 5. Chuyển danh sách sơ tuyển sang ĐSQ hoặc LSQ Nhật tại Việt Nam 6. ĐSQ và LSQ Nhật công bố ngày thi, môn thi hoặc phỏng vấn 7. Thí sinh tiến hành thi hoặc phỏng vấn 8. ĐSQ và LSQ Nhật chuyển hồ sơ tiến cử lên Bộ Giáo dục Nhật Bản (MEXT). 9. Công bố danh sách trúng tuyển và phát giấy gọi trúng tuyển 10. Chuẩn bị làm hồ sơ đi học 11. Đến Nhật Bản và tham gia học tập Các môn thi tuyển và nội dung phỏng vấn có thể thay đổi theo từng đối tượng và theo từng năm. Đối với đối tượng nghiên cứu sinh thí sinh thường phải trải qua một kỳ phỏng vấn về lý do, nguyện vọng du học tại Nhật Bản, trình độ tiếng Nhật, dự định sau khi tốt nghiệp khóa học nếu được cấp học bổng. Với đối tượng thí sinh đi học đại học, cao đẳng hay trung học chuyên nghiệp ngoài phỏng vấn với nội dung tương tự như đối tượng nghiên cứu sinh các thí sinh còn phải thực hiện các bài thi viết. Số lượng và các môn thi tùy theo quy định từng năm. Thi sinh cần theo dõi kỹ thông báo để biết thêm chi tiết. Trên cơ sở kết quả các bài thi và phỏng vấn, ÐSQ Nhật ở các nước tiến hành xét duyệt và tiến cử lên Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Kỹ thuật Nhật Bản (MEXT). MEXT hội ý với ủy ban tuyển chọn, trao đổi với trường đại học chỉ định và tiến hành tuyển chọn lần cuối cùng. Người dự tuyển có thể trình bày nguyện vọng ưu tiên của mình về trường học chuyên môn, tuy nhiên việc phân bổ sinh viên về trường học vẫn do MEXT quyết định. Để biết thêm chi tiết, thí sinh nên liên lạc tới các địa chỉ sau:
Ðại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam 27 Liễu Giai, Hà Nội Ðiện thoại: (+84-4)-8463000 Fax: (+84-4)-8463043
Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh Số 13-17 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh Ðiện thoại: (+84-8)-8225314
· Tiến cử của trường đại họcHọc bổng MEXT do trường đại học tiến cử dành cho 2 đối tượng: (1) sinh viên nước ngoài muốn đến học tại trường và nộp đơn xin trước khi đến Nhật (2) du học sinh đang học tại trường theo dạng tư phí. Đối với đối tượng (1) sinh viên có thể liên hệ trực tiếp với Phòng Quản lý sinh viên quốc tế của các trường có nguyện vọng theo học. Tuy các điều kiện, chi tiết và thời hạn học bổng giống như học bổng do ĐSQ Nhật Bản tiến cử, nhưng việc sơ tuyển và xét duyệt hồ sơ không phải thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam. Các trường sẽ trực tiếp xem xét hồ sơ và tiến cử lên MEXT để tuyển chọn. Để biết thêm chi tiết, người dự tuyển (thí sinh) cần liên lạc trực tiếp với Phòng Quản lý sinh viên quốc tế của các trường có nguyện vọng theo học.
Các điểm lưu ý đối với du học sinh Việt Nam Ở trên là những thủ tục xin học bổng chung, trường hợp xin học bổng qua Ðại sứ quán Nhật Bản, đối với du học sinh Việt Nam thì học bổng MEXT được thỏa thuận giữa Ðại sứ quán Nhật ở Việt Nam với Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Việc lựa chọn sinh viên để cấp học bổng và phân phối đều các suất học bổng sẽ được Bộ Giáo dục và Ðào tạo tiến hành. Thông thường Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ phân phối các suất học bổng đồng đều giữa các khu vực, giữa các ngành và các trường đại học, sau đó sẽ thông báo cho từng cơ quan chủ quản cử người đi học. Trước khi nộp hồ sơ xét duyệt cuối cùng cho Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Giáo dục và Đạo tạo thí sinh sẽ phải qua kỳ thi tuyển chọn của phía Việt Nam. Kỳ thi này thông thường là kỳ thi kiểm tra ngoại ngữ (tiếng Anh) và chuyên môn đối với các nghiên cứu sinh, và thi kiểm tra năng lực học tập của sinh viên đại học. Những chi tiết về kỳ thi này sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo chi tiết. Để biết thêm chi tiết, thí sinh liên hệ với các địa chỉ sau.
Vụ Đại học và sau đại học, Bộ Giáo dục và Ðào tạo Số 49 Ðại Cồ Việt, Hà Nội Ðiện thoại: (+84-4)-8694297 Fax: (+84-4)-8694905
Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Ðào tạo Số 49 Ðại Cồ Việt, Hà Nội Ðiện thoại: (+84-4)-8694916 Fax: (+84-4)-8693243
Khi thí sinh dự đã qua được kỳ thi sơ tuyển này thì hồ sơ tiếp theo sẽ được gửi lên Vụ Hợp tác quốc tế để chuyển qua gia đoạn thẩm tra và xét duyệt của Ðại sứ quán Nhật Bản. Đại sứ quán Nhật Bản sẽ tiến hành tổ chức thi và phỏng vấn lần cuối cùng trước khi tiến cử lên MEXT. Thời gian nhận được thông báo kết quả sẽ mất khoảng vài tháng kể từ ngày dự kỳ thi và phỏng vấn lần cuối cùng ở Ðại sứ quán Nhật Bản. Sau khi vượt qua vòng này, gần như bạn sẽ chắc chắn nhận được học bổng.Các giấy tờ cần thiết 1. Ðơn xin học (theo mẫu) (2 bản) 2. Ðơn xin tóm tắt (theo mẫu) 3. 2 ảnh hộ chiếu được chụp trong vòng 6 tháng trước ngày nộp đơn (được dán vào đơn xin) 4. Học bạ có chứng nhận của trường mình đã học (do trường cấp) 5. Giấy giới thiệu của hiệu trưởng, chủ nhiệm khoa hay giáo sư hướng dẫn 6. Giấy giới thiệu của giám đốc (thêm vào mục (4) ở trên nếu là người đang đi làm) 7. Giấy chứng nhận khám sức khỏe theo mẫu (do cơ quan y tế được ÐSQ Nhật Bản chỉ định khám và cấp giấy) 8. Bản sao các bằng cấp chứng chỉ 9. Bản sao thể hiện các tác phẩm nghệ thuật hay băng ghi hình trình diễn ca nhạc của chính người xin học
Lưu ý: 1. Các giấy tờ này phải được viết bằng tiếng Nhật hay tiếng Anh, hay kèm theo bản dịch sang tiếng Nhật hoặc tiếng Anh (các giấy tờ sao phải có công chứng của nhà nước). 2. Các giấy tờ ở mục 4) & 5) phải được niêm phong. 3. Ðơn xin sẽ không được chấp nhận nếu không đủ các giấy tờ kể trên và không được điền đầy đủ chính xác. 4. Người xin học phải nộp một đơn tiếp nhận (Letter of Acceptance) của một giáo sư ở Nhật mà người xin học phải liên lạc trong quá trình làm hồ sơ xin học. Trong trường hợp nếu người xin học không thể liên hệ được (thông thường khá khó khăn trong việc liên hệ và có được thư tiếp nhận này) với một giáo sư nào ở Nhật thì cũng có thể MEXT sẽ dàn xếp giúp. Nếu tìm cách liên lạc được với một giáo sư ở Nhật Bản và nhận được thư tiếp nhận là tốt nhất.